Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều địa phương phía Nam đã thu về nhiều “trái ngọt” trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Dương và Đồng Nai là những địa phương có kết quả thu hút vốn FDI ấn tượng.
Trước tiên phải kể tới dự án về hạ tầng khu công nghiệp lớn nhất được cấp phép là Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại Bình Dương, có tổng vốn đầu tư hơn 284,7 triệu USD, do Công ty Liên doanh Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư.
Báo cáo mới nhất của VSIP cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các khu công nghiệp của VSIP tại Bình Dương đã thu hút gần 652 triệu USD vốn FDI, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt hơn 80% kế hoạch năm nay.
Theo đánh giá, các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai được đầu tư tốt về hạ tầng, điều kiện giao thông thuận lợi, có những khu công nghiệp được quy hoạch riêng để thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các dự án có quy mô vốn lớn.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Bình Dương và Đồng Nai đã ký ghi nhớ với nhiều địa phương của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… Qua công tác xúc tiến đầu tư, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của các nước này cũng có những cam kết mạnh mẽ về việc triển khai các dự án mới hoặc tăng vốn đầu tư tại các dự án hiện hữu trong thời gian tới.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho biết, cả 2 địa phương này đang có những đề xuất điều chỉnh tăng vốn lớn cho những dự án mới được cấp phép. Cụ thể, tại Bình Dương, một dự án có quy mô vốn lớn được cấp phép năm 2015, đang có đề xuất tăng vốn đầu tư thêm 700 triệu USD. Hiện, vướng mắc lớn nhất để triển khai dự án này đang được giải quyết, do đó, nhà đầu tư có thể thực hiện việc tăng vốn trong thời gian tới.
Trong khi đó, sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Công ty Hyosung Đồng Nai đã đề nghị được mở rộng diện tích, tăng vốn đầu tư.
“Dự án này đã được cấp phép năm dịp đầu năm 2015 với số vốn đầu tư đăng ký 660 triệu USD có mục tiêu hoạt động sản xuất các loại sợi công nghiệp và sản xuất sợi thép các loại dùng làm lốp xe”, nguồn tin nói và cho biết, dự án này đề xuất được mở rộng diện tích để có thể đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích của dự án đang gặp một số vướng mắc nên cần xem xét, cân nhắc về phương án khả thi trước khi quyết định.
Theo con số thống kê mới nhất, trong số các dự án mới được cấp phép tại Bình Dương, lớn nhất là Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 của Công ty TNHH Công nghiệp KOLON Bình Dương (Hàn Quốc) có vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD, chuyên sản xuất sợi lốp Polyester HMLS bằng sợi có độ bền cao để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô.
Cũng trong thời gian này, Dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng thêm 485,8 triệu USD – mức cao nhất trong số các dự án điều chỉnh vốn. Dự án có mục tiêu hoạt động là sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim.
Đáng chú ý, dự án này mới được cấp phép hồi giữa năm 2015 và việc việc tăng vốn lần này đã đưa tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án lên 760 triệu USD.
Dù thu hút vốn FDI của Đồng Nai 6 tháng đầu năm chưa thực sự ấn tượng, nhưng các dự án của các nhà đầu tư đến từ châu Á cũng đứng đầu bảng về số vốn đăng ký.
Đơn cử, Dự án Công ty TNHH Powerknit Việt Nam vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD là dự án mới được cấp phép có vốn đầu tư lớn nhất. Nhà đầu tư của dự án này đăng ký đến từ British Virgin Islands, nhưng theo tìm hiểu đây là một công ty thành viên của một tập đoàn lớn của Đài Loan đã có nhiều dự án triển khai tại Đồng Nai thời gian qua.
Dự án điều chỉnh tăng vốn lớn nhất tại Đồng Nai là của Công ty TNHH sợi Long Thái Tử (Hàn Quốc) với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm hơn 50 triệu USD. Dự án này hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.
Hồng Sơn / baodautu